TỌA ĐÀM: LÀM SAO ĐỂ SẢN PHẨM HỮU CƠ PGS SỐNG KHỎE? 23/12/2021
Thứ sáu - 24/12/2021 19:41
Trong khuôn khổ dự án ''Nâng cao năng lực quản lý, vận hành hệ thống PGS và tiếp cận thị trường cho các THT/ HTX phát triển sản phẩm nông lâm nghiệp hữu cơ dựa vào rừng ở các tỉnh miền núi phía Bắc” do Chương trình Hỗ trợ Rừng và Trang trại (FFF ) tài trợ, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (COA), Đại học Lâm nghiệp phối hợp với Ban Điều phối PGS, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch tổ chức chuỗi tọa đàm về Nông nghiệp hữu cơ và hệ thống đảm bảo có sự tham gia PGS. Buổi tọa đàm số 3 với chủ đề LÀM GÌ ĐỂ SẢN PHẨM HỮU CƠ PGS SỐNG KHỎE? đã diễn ra vào ngày 23 tháng 12 năm 2021 trên nền tảng trực tuyến zoom. Tọa đàm đã thu hút được sự quan tâm chú ý tham gia của 130 đại biểu là đại diện của các Tổ chức phi chính phủ, Doanh nghiệp, các trường Đại học, Trung tâm nghiên cứu, Người sản xuất, Người tiêu dùng.
Buổi tọa đàm được bắt đầu với bài trình bày: "Hữu cơ PGS Việt Nam TO KHỎE hay BÉ KHỎE" của diễn giả Trần Mạnh Chiến - CEO của chuỗi thực phẩm sạch Bác Tôm, Cố vấn PanNature; Phó ban điều phối PGS Việt Nam; Ủy viên BCH Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam.
Trong bài trình bày, diễn già Trần Mạnh Chiến đã chia sẻ về hành trình 14 năm vận hành PGS ở Việt Nam. Hệ thống Bác Tôm do anh làm CEO đã đồng hành với dự án Phát triển nông nghiệp hữu cơ, từng bước đi ban đầu khó khăn, chậm, chắc, nở rộ, các cửa hàng kinh doanh Thực phẩm sạch mở rồi đóng cửa...Với triết lý kinh doanh "Thuận tự nhiên" tận tụy trung thành, thương hiệu Bác Tôm đã trụ được, đã thay đổi, tự hoàn thiện và đứng vững trên thị trường, khẳng định vị trí của các sản phẩm hữu cơ PGS trên thị trường từ Bé Khỏe đến To Khỏe. Những bài học kinh nghiệm trong tiến trình gắn bó với dự án ADDA cũng như với vai trò làm CEO của thương hiệu Bác Tôm đã được đúc kết và chia sẻ đầy tâm huyết: Dự án gắn với doanh nghiệp ngay từ ngày đầu; Khảo sát ý kiến khách hàng kết hợp với nông dân; Nông dân nguồn lực hạn chế luôn cần mồi nhử; Marketing từ đầu; Farm tours ; Nhân sự là cốt lõi phải huấn luyện thường xuyên; Liên tục cải tiến.
Kết thúc bài trình bày với câu châm ngôn đầy ý nghĩa: Stroms make trees take deeper roots (Tạm dịch: Bão tố khiến cho cây cắm rễ sâu hơn), diễn giả đã gợi mở rất nhiều điều trăn trở, suy nghĩ trong hành trình vươn lên, khẳng định thương hiệu đồng thời truyền cảm hứng, động lực và tình yêu với nông nghiệp hữu cơ, với cuộc sống xanh, sạch, khỏe đến tất cả mọi người.
Diễn giả Trần Mạnh Chiến trình bày tại tọa đàm
Sau phần trình bày của CEO Trần Mạnh Chiến, BTC đã giành thời gian để các đại biểu tham gia đặt câu hỏi trao đổi trực tiếp với diễn giả.
Những băn khoăn như làm thế nào để nhân rộng mô hình hữu cơ PGS khi các nhóm không ở gần nhau? Lợi thế về sức khỏe của sản phẩm hữu cơ so với các sản phẩm thông thường? Hay các vấn đề kết nối, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ giữa người sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ đã được trao đổi và thảo luận sôi nổi.
Các đại biểu tham dự, đặt câu hỏi trao đổi sau phần trình bày của diễn giả Trần Mạnh Chiến
Bài trình bày số 2 của diễn giả Nguyễn Thị Huyền – giám đốc công ty cổ phần sản xuất và xuất khẩu Quế hồi Việt Nam với chủ đề: Xu thế thị trường và phát triển sản phẩm PGS cho thị trường xuất khẩu. Chia sẻ về kinh nghiệm của doanh nghiệp trong quá trình đưa các sản phẩm hữu cơ tiếp cận với thị trường quốc tế, áp dụng hệ thống PGS trong quản lý chuỗi giá trị của doanh nghiệp và hành trình thay đổi tư duy và nhận thức của bà con nông dân trong quá trình tham gia vào chuỗi kết nối giữa doanh nghiệp, nông dân và người tiêu dùng.
Diễn giả Nguyễn Thị Huyền chia sẻ tại buổi tọa đàm
Với giọng nói cuốn hút, truyền cảm, rõ ràng, mạch lạc người nghe hiểu được để phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ với 3.000 nông dân và 4.200 ha Quế Hồi Công ty Vinasamex đã được sựđồng thuận của các cấp chính quyền địa phương, sự quyết tâm của người sản xuất và vai trò quyết định của Doanh nghiệp. Vinasamex đã có rất nhiều chứng nhận Quốc tế cho sản phẩm quế hồi nhưng Công ty đã nhận thức việc áp dụng công cụ PGS để quản lý chất lượng sản phẩm là vô cùng quan trọng. Vinasamex đã tận dụng được các nguồn lực của các Tổ chức phi chính phủ (Hevertal; Oxfam...), các nguồn lực của Nhà nước và của chính Doanh nghiệp đã đưa sản xuất Quế Hồi ra Thế giới.
Sau phần trình bày của bà Nguyễn Thị Huyền là phần trao đổi, chia sẻ và vấn đáp của các đại biểu tham dự giành cho diễn giả và các chuyên gia. Các câu hỏi tập trung vào việc làm sao để các doanh nghiệp có thể quản lý tốt chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn hữu cơ trong bối cảnh vùng nguyên liệu rộng phân tán ở nhiều huyện, tỉnh và nhiều hộ nông dân tham gia sản xuất. Ý nghĩa của vệc áp dụng hệ thống PGS trong quản lý chất lượng nội bộ của doanh nghiệp, việc kết nối và tạo lập niềm tin giữa doanh nghiệp với người sản xuất và người tiêu dùng,...
Trao đổi của các đại biểu với các doanh nghiệp và chuyên gia sau phần trình bày của các diễn giả
Ngoài phần trình bày của các diễn giả, tọa đàm còn được lắng nghe những chia sẻ trực tiếp của người sản xuất là đại diện của các nhóm nông dân sản xuất rau hữu cơ, đại hiện hợp tác xã Quế hữu cơ đã và đang tham gia trong chuỗi liên kết cung cấp sản phẩm hữu cơ cho doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Nhàn - Phó trưởng nhóm nông dân hữu cơ Bái Thượng, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm
Ông Phạm Văn Tiến - Giám đốc HTX Quế hồi Việt Nam, chủ tịch HND xã Đào Thịnh, huyện Chấn Yên, tỉnh Yên Bái chia sẻ tại tọa đàm
Độc giả quan tâm có thể theo dõi chi tiết nội dung của buổi tọa đàm tại các video bên dưới
Video phần trình bày của diễn giả Trần Mạnh Chiến - CEO của chuỗi cửa hàng bác Tôm, phó ban điều phối PGS Việt Nam
Video trao đổi, chia sẻ và hỏi đáp của các đại biểu sau phần trình bày của diễn giả Trần Mạnh Chiến
Video bài trình bày của diễn giả Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc công ty cổ phần sản xuất và xuất khẩu Quế hồi Việt Nam
Hoạt động được tài trợ bởi: Chương trình hỗ trợ Rừng và Trang trại (FFF)- Hội Nông Dân Việt Nam Đơn vị thực hiện: COA & PGS Việt Nam; Đơn vị hỗ trợ: VOAA & AFT