Nhiều sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn tỉnh đã chứng minh được tính ưu việt của nó. Cam sành Hàm Yên là một ví dụ. Theo anh Hoàng Đức Hùng, Trưởng liên nhóm sản xuất cam sành hữu cơ xã Tân Thành cho biết, so với sản xuất thông thường, thì cam sành áp dụng theo tiêu chuẩn hữu cơ ngoài lợi thế về giá, còn có một lợi thế mà người trồng cam rất hài lòng, đó là thời gian bảo quản dài hơn, ít nhất cả tháng trời. Đây được xem là ưu điểm lớn nhất của cam sành hữu cơ Hàm Yên so với các loại cam khác trên thị trường. Lượng phân đạm giảm mạnh, thay vào đó là các loại phân bón làm từ đỗ tương, cá, chất thải chăn nuôi trộn với men vi sinh... Quả cam sản xuất theo tiêu chuẩn này không căng mọng, bóng bẩy mà thay vào đó là màu đỏ cam bắt mắt, chất lượng quả thơm ngọt đặc trưng được các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh thu mua tại vườn, giá bán bình quân đạt 25 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, 100% sản phẩm hữu cơ bán ra ngoài được dán tem truy xuất nguồn gốc.
Vùng chè thôn Đồng Đài, xã Hợp Thành (Sơn Dương) được chứng nhận sản xuất hữu cơ chuyển đổi theo tiêu chuẩn PGS.
Tuy nhiên, không phải mô hình nào sau khi được chứng nhận hữu cơ cũng tiếp tục được thực hiện và tạo dấu ấn với người tiêu dùng. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Tân Trào (Sơn Dương) được thực hiện lần đầu tiên vào năm 2019. 3 ha lúa của người dân thôn Tân Lập được áp dụng hoàn toàn theo các tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ, từ thay thế thuốc bảo vệ thực vật bằng các loại chế phẩm sinh học; thay thế phân bón vô cơ bằng các loại phân bón hữu cơ vi sinh và bổ sung thêm phân bón làm từ giun quế, không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân. Ngay cả việc phòng trừ một số loại sâu bệnh hại cũng hoàn toàn thủ công và áp dụng một số biện pháp dân gian như sử dụng một số loại lá cây trên rừng... Mô hình này đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ và được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn, trở thành sản phẩm hàng hóa, phục vụ khách du lịch về với Tân Trào.
Ông Bế Xuân Tô, Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp Tân Trào - đơn vị quản lý nhãn hiệu và chứng nhận sản phẩm gạo hữu cơ Tân Trào chia sẻ, mô hình sản xuất gạo hữu cơ Tân Trào chỉ được thực hiện trong 1 năm 2019, sau đó thì dừng. Có nhiều nguyên nhân, từ việc sản phẩm không đủ trở thành hàng hóa, chinh phục thị trường đến việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình sản xuất hữu cơ tương đối khắt khe, khiến người nông dân “ngại” nhân rộng. Quan trọng hơn, toàn bộ quá trình sản xuất hữu cơ, từ diệt trừ sâu bệnh hại đến sử dụng các loại phân bón, chế phẩm sinh học đa phần đều phải thực hiện thủ công, trong khi lực lượng lao động trên địa bàn ngày càng thu hẹp. Mặc dù những hiệu quả đem lại từ mô hình này rất lớn, nhất là về mặt môi trường và sức khỏe người sản xuất, thế nhưng đến thời điểm này, mô hình vẫn chưa được thực hiện lại. Và nếu thực hiện lại, thì buộc phải làm lại chứng nhận do đã không thực hiện gần 2 năm.
Niềm vui được mùa của người trồng cam hữu cơ xã Tân Thành (Hàm Yên).
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, việc sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ hiện đang được ngành nông nghiệp khuyến khích nhân rộng, vì đây được xem là xu thế sản xuất tất yếu của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, theo bà Dung, hiện sản xuất hữu cơ của Tuyên Quang còn một số khó khăn, ngoài những khó khăn về lao động, thì câu chuyện giá cả khi bán ra thị trường và việc chưa ban hành được một danh mục chính xác các loại vật tư phục vụ sản xuất phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ cũng là một rào cản trong việc duy trì và nhân rộng mô hình.
Trên địa bàn Tuyên Quang hiện có trên 57 ha nông sản được chứng nhận hữu cơ. Trong đó, cam sành Hàm Yên có 30,2 ha tại các xã Tân Thành, Nhân Mục, thị trấn Tân Yên; chè có 24 ha của Hợp tác xã Sơn Trà (Na Hang) và Hợp tác xã Ngân Sơn Trung Long (Sơn Dương). Một số mô hình chè của người dân thôn Đồng Đài, xã Hợp Thành (Sơn Dương), bưởi của người dân Yên Sơn hiện vẫn đang trong giai đoạn chuyển đổi, “ngắt” hóa chất. Vụ xuân năm nay, huyện Lâm Bình cũng đang thực hiện thí điểm 3 ha lúa áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Lăng Can.
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng, mỗi mô hình sau khi được chứng nhận hữu cơ cần phải được duy trì liên tục, vì liên quan đến các khâu kiểm tra, đánh giá, giám sát từ nguồn nước, chất đất đến chất lượng sản phẩm. Thêm vào đó, các chứng nhận hữu cơ thời gian hiệu lực cũng tương đối ngắn, kéo dài khoảng 2 năm, cộng với ít nhất 1 năm chuyển đổi, nên nếu không duy trì, đồng nghĩa với việc phải bỏ vốn ra làm lại từ đầu. Để nhân rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, theo ông Tuyên, vì sản xuất hữu cơ có đặc thù riêng, khác với sản xuất đại trà, nên những chính sách hiện có rất khó áp dụng với loại hình này, cần có những chính sách riêng biệt, đặc thù để khuyến khích sản xuất hữu cơ. Từ đó, góp phần tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, đặc sản của địa phương, cây dược liệu, cây bản địa có tiềm năng để sản phẩm thực sự trở thành hàng hóa có hiệu quả bền vững.