NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ – ĐÃ THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI TÔI

Thứ hai - 27/12/2021 09:16
NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ – ĐÃ THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI TÔI

Từ một kỹ sư chuyên ngành bảo vệ thực vật, ước mơ kinh doanh dang dở
Tôi học Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, chuyên ngành Bảo vệ thực vật K39 (1994-1998). Khi ra trường thầy giáo hướng dẫn là PGS.TS. Nguyễn Đức Khiêm khuyên tôi nên làm giáo viên để đỡ phải vất vả ở ngoài đồng ruộng. Thầy Khiêm viết một bức thư giới thiệu cho thầy Hiệu trưởng là TS. Phạm Thanh Hải, Trường Trung học và Dạy nghề Nông nghiệp và PTNT 1. Tôi được nhận về trường giảng dạy ở Bộ môn Trồng Trọt. Bản thân tôi luôn mơ ước mở một cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật, vì tôi biết kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật rất có lãi và nhanh kiếm được tiền chứ không như đồng lương ít ỏi từ nghề dạy học khi đó được 227.000 đ/tháng. Nhưng bố mẹ tôi không đồng ý cho tôi mở cửa hàng nên tôi quyết định đi học cao học chuyên ngành bảo vệ thực vật tại Trường Đại học Nông nghiệp 1 Khóa 9 (2000-2002). Rồi tôi lấy chồng, sinh con, tôi tiếp tục đề nghị với chồng mở một cửa hàng bán thuốc BVTV, chồng tôi không đồng ý và bảo “Em cứ tập trung giảng dạy, nếu thích thì đi học chứ không được mở cửa hàng kinh doanh”. Cuối năm 2007 tôi thi đậu vào làm nghiên cứu sinh ở Đại học Nông nghiệp 1, nghiên cứu về bệnh virus khảm lùn trên cây ngô, đồng thời tham gia dự án “Phát triển cộng đồng” đào tạo TOT trên cây ngô và huấn luyện nông dân trở thành giảng viên dự án do Tổ chức ADDA tài trợ.
Dự án “Phát triển Nông nghiệp hữu cơ – một dự án đầy tính nhân văn”
           Năm 2008, tôi là một trong 5 giáo viên được lựa chọn là giáo viên giảng dạy lớp TOT về Nông nghiệp hữu cơ. Dự án được tài trợ bởi Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Châu Á, Đan Mạch (ADDA) – Tổ chức Phi chính phủ của Đan Mạch, phối hợp thực hiện với Hội Nông dân Việt Nam triển khai. Học viên là nông dân thuộc các tỉnh của dự án bao gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hải Phòng, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Tĩnh có 40 học viên tham gia học tại Trại thực nghiệm của Trường Cao đẳng và PTNT Bắc Bộ. Sáng sáng chúng tôi lên lớp học lý thuyết, chiều lại ra đồng làm các thí nghiệm trên các loại cây rau cải bắp, cà chua, đậu đỗ thứ 6 hàng tuần cả lớp xuống các xã ở Huyện Lương Sơn thực hành giảng dạy. Thầy, trò học tập và lao động hăng say trong 4,5 tháng. Chúng tôi cả thầy cô và các học viên như một tờ giấy trắng được ông cố vấn kỹ thuật của Tổ chức ADDA là ông Koen den Braber và chị Từ Tuyết Nhung cố vấn kỹ thuật dự án chia sẻ kiến thức về nông nghiệp hữu cơ. Dự án mời những thầy cô đầu ngành đến lớp chia sẻ về cây che phủ, đa dạng sinh học, làm phân ủ, nuôi trùn quế, chăn nuôi hữu cơ, làm dấm gỗ,...
Hội nghị đầu bờ năm 2008 lớp GVTOT
 
Hội nghị đầu bờ lớp FFF
Hàng ngày, chúng tôi chăm sóc cây như chăm sóc con mình và nhận ra một điều nếu không sử dụng các loại phân hóa học hay thuốc BVTV hóa học cây trồng vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Sâu bệnh, cỏ dại được quản lý bởi những học viên chăm chỉ. Khi có sản phẩm chúng tôi mang đến các cửa hàng và quán ăn giới thiệu nhưng mọi người chưa hiểu thế nào là sản phẩm hữu cơ, chúng tôi hái cà chua, cải bắp cho 5 con lợn nuôi theo phương pháp hữu cơ, chúng ăn nhiều cà chua béo núc níc, da hồng hào nhìn rất đáng yêu.
Những chú lợn nuôi thử nghiệm ở lớp TOT 2008
Sau thành công của khóa học TOT 1, dự án tiếp tục mở lớp TOT 2 đào tạo thêm 39 học viên trong thời gian 4,5 tháng. Khóa học thứ 2 này các giảng viên đã có kinh nghiệm và triển khai thuận lợi các thí nghiệm đồng ruộng… Ban giám hiệu nhà trường đặc biệt là thầy Hiệu trưởng NGND.TS. Pham Thanh Hải đã tạo điều kiện tốt nhất cho chúng tôi một chỗ bán hàng và được các thầy cô trong trường ủng hộ mua rau cho bà con. Chồng tôi bảo “Em là Phó trưởng khoa Trồng trọt mà suốt ngày đi bán rau mà không ngại à?” Tôi đáp “ăn trộm, ăm cắp mới xấu hổ chứ em đi bán rau hữu cơ là một việc làm có ý nghĩa việc gì phải ngại” nói vậy thôi nhiều lúc nghĩ cũng tủi thân. Thời gian đầu bà con chỉ biết trồng các loại rau cải, cả tháng nhà tôi ăn rau cải. Bố tôi bảo “Con xem đổi rau chứ bố ăn mãi rau cải chán lắm rồi”. Tôi trả lời “Bố ơi, nông dân của con bây giờ chỉ biết trồng rau cải hữu cơ, các bác ấy sẽ thay đổi, nhà mình chịu khó ăn giúp bà con”. Rau hữu cơ không hóa chất nhưng chỉ có vài loại ăn chán lắm Bố tôi ngán ngẩm lắc đầu chịu thua đứa con gái út cứng đầu.
Gian nan mở các nhóm sở thích và quản lý chuỗi sản phẩm
Sang năm 2009, Huyện Lương Sơn thành lập các nhóm sở thích về trồng rau hữu cơ, khi đó tôi được phân công là quản lý chứng nhận PGS cho Liên nhóm Lương Sơn; Trưởng liên nhóm là chú Đỗ Viết Liêm – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lương Sơn. Hàng tuần chúng tôi xuống các nhóm để họp hỗ trợ nhóm làm hồ sơ, lập kế hoạch quản lý đồng ruộng, lấy mẫu đất và nước đi phân tích… Ban ngày bà con không họp được chúng tôi tổ chức họp vào ban đêm. Với sự hỗ trợ của cán bộ thực địa của dự án là anh Dương, anh Ngọc. Tôi và em Hoàng Hưng cán bộ Hội Nông dân huyện đồng thời là giảng viên lớp TOT cặm cụi xuống các nhóm họp và hỗ trợ từ việc lập hồ sơ đến lập kế hoạch sản xuất, giới thiệu sản phẩm,… Trải qua bao khó khăn đã thành lập được 12 nhóm, năm 2010 có 4 nhóm đã được cấp giấy chứng nhận PGS hữu cơ đầu tiên là nhóm Đồng Tâm (xã Hợp Hòa); Nhóm Mòng (Thị trấn Lương Sơn); Nhóm Đầm Rái (Nhuận Trạch); Nhóm Đồng Bưng (Nhuận Trạch). Bà con huyện Lương Sơn chủ yếu là người Mường, chưa có tập quán trồng rau hữu cơ, các sản phẩm làm ra số lượng không nhiều, chủng loại không đa dạng. Các công ty thu mua như Tâm Đạt, Bác Tôm đã rất vất vả để hỗ trợ nông dân trồng rau theo nhu cầu thị trường.
Chiến dịch Tiếp thị xã hội sản phẩm hữu cơ đến người tiêu dùng
 Ngày đó, sản phẩm hữu cơ chẳng ai biết, phần lớn người tiêu dùng, cả các phóng viên báo chí cũng gọi là rau sạch. Vì vậy, Dự án đã triển khai “Chiến dịch tiếp thị xã hội sản phẩm hữu cơ” đến người tiêu dùng tại siêu thị BigC Thăng Long. Cuối tuần tôi đi xe máy đi trước dẫn đường, các bác nông dân ở Liên nhóm Lương Sơn đi theo ròng rã trong 8 tuần giới thiệu cho người tiêu dùng hiểu thế nào về sản phẩm hữu cơ. Những ngày đầu tại Big C cả cô, trò, các bác nông dân đều nóng lòng muốn bán sản phẩm, đôi khi không kiên nhẫn giới thiệu thế nào là sản phẩm hữu cơ cho người tiêu dùng hiểu, nên có vẻ vội vàng “lôi kéo” khách hàng mua sản phẩm và đã bị chị Y Voan, lúc đó là Phó Giám đốc dự án, phụ trách hoạt động truyền thông “nhắc nhở” nhóm phải truyền thông về sản phẩm hữu cơ khác gì với sản phẩm thông thường đến người tiêu dùng đã, rồi hãy mời khách hàng mua. Cho đến giờ, chúng tôi vẫn nhớ kỷ niệm đó và sau này, qua rất nhiều hoạt động truyền thông mới hiểu khái niệm “Tiếp thị xã hội sản phẩm hữu cơ là gì”.
Đến tháng 10/2012 dự án kết thúc nhưng hành trình của chúng tôi lại bắt đầu. Không có dự án nhưng lại có các Doanh nghiệp đồng hành nên bà con vẫn có thể đứng vững và duy trì hoạt động nhóm hiệu quả có thời điểm trong hệ thống PGS Việt Nam có hơn 400 nông dân quản lý 3 liên nhóm là Thanh Xuân, Lương Sơn và Trác Văn
Hội người tiêu dùng Hà Nội lên thăm cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở Lương Sơn
Hành trình 14 năm không mệt mỏi vì NNHC
Từ năm 2008 đến nay tôi vẫn miệt mài tập huấn về nông nghiệp hữu cơ, hầu hết các lớp tôi tập huấn là do các tổ chức phi chính phủ mời. Các tổ chức SNV, Oxfam, World Vision, Seed to Table, Helvertas; VECO, DWC, CRED, CHIASE…Các khóa học chủ yếu tập huấn cho bà con dân tộc thiểu số. Có những lúc mệt mỏi, chán nản tôi thường mở các giấy khen của Liên nhóm Lương Sơn, Thanh Xuân, Trác Văn, PGS Việt Nam và Hiệp hội hữu cơ Việt Nam ngắm nghía các tờ giấy khen đó để có thêm động lực đi tiếp.
Giấy khen UBND huyện Lương Sơn
 
 
Bằng khen Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam
Nhờ nông nghiệp hữu cơ tôi đã có những người bạn tri kỉ đồng chí hướng, có những nhóm bạn yêu quí sản phẩm hữu cơ gặp gỡ trao đổi và động viên nhau cùng tiến bộ. Đặc biệt những người thân trong gia đình tôi được thưởng thức các sản phẩm hữu cơ do các nhóm nông dân sản xuất. Gia đình tôi thực sự hạnh phúc với những bữa ăn đậm chất hữu cơ các thành viên trong gia đình mạnh khỏe, vui vẻ và yêu quí những sản phẩm hữu cơ do đích thân bố mẹ làm ra.
Nông nghiệp hữu cơ là tình yêu đã ăn vào máu thịt
Có nhiều người hỏi tôi, điều gì khiến một cô kỹ sư chuyên ngành bảo vệ thực vật chuyển sang làm nông nghiệp hữu cơ? Tôi chỉ cười và bảo đó là cái “Duyên”, tôi vẫn nhớ những năm 2009 đi họp với các nhóm nông dân về vừa tắm cho con vừa khóc không hiểu tại sao nông nghiệp hữu cơ tốt như vậy mà bà con không theo? Dần dần tôi đã trưởng thành hơn, đủ chín chắn để thông cảm với những suy nghĩ và nỗi lo của người nông dân “sợ không bán được hàng’’. Trong hệ thống đã tìm được các Doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành với bà con, người sản xuất yên tâm vì sản phẩm được làm ra với giá tốt, sức khỏe được nâng lên và môi trường được bảo vệ.
Tôi công tác ở Trường Cao đẳng Nông nghiệp &PTNT 18 năm, năm 2007 được bổ nhiệm phó trưởng khoa, năm  2010 được bổ nhiêm là trưởng khoa Trồng Trọt. Tháng 12/2016 tôi quyết định chuyển sang công tác tại Đại học Lâm Nghiệp. Đến tháng 6 năm 2019, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (COA), Trường Đại học Lâm nghiệp được thành lập, tôi được bổ nhiệm làm giám đốc Trung tâm. Chúng tôi tiếp tục sứ mệnh nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao KHKT và đào tạo các thế hệ trẻ yêu hữu cơ và các bác nông dân, đặc biệt với Chương trình Rừng và Trang trại (FFF), COA không chỉ đào tạo mà còn tư vấn trực tiếp cho Hội Nông dân các tỉnh, các THT, HTX áp dụng sản xuất hữu cơ và hệ thống PGS. Sang năm 2020, 2021 dịch bệnh Covid hoành hành Trung tâm chuyển sang đào tạo online cho các tỉnh. Tính đến thời điểm này, Trung tâm đã hỗ trợ thành lập 6 PGS ở các Doanh nghiệp bao gồm: PGS Vinh Hà; PGS DACE Cao Bằng; PGS Vinasamex; PGS Nông sản Bắc Kạn; PGS Hồ Tiêu Việt, PGS Hồng Đài Việt. Cùng với PGS Việt Nam hỗ trợ các địa phương đã thành lập được hệ thống PGS bao gồm: PGS Cao Bằng; PGS Bắc Kạn; PGS Hòa Bình; PGS Vân Hồ - Sơn La; PGS Hội An; PGS Huế; PGS Đồng Tháp; PGS Bến Tre; PGS Sóc Trăng, PGS Tuyên Quang…
Tháng 10/2021 tôi đăng ký tham gia khóa tập huấn do Mekong Organics tổ chức, được tiếp xúc với các thầy cô giáo đầu ngành về nông nghiệp hữu cơ. Thầy Alan Broughton – Phó chủ tịch OAA và Nhà giáo dục của Mekong Organics đã giúp tôi có nguồn cảm hứng trong quá trình học tập. Thầy như người Ông, người Cha chia sẻ kiến thức về Nông nghiệp hữu cơ mà cả đời Thầy theo đuổi, cống hiến, yêu thích và đam mê. Tôi gần như không bỏ buổi học nào, mặc dù rất bận nhưng tôi đã luôn sắp xếp thời gian để theo học. Hôm nào không học được trực tiếp, sáng sớm hôm sau tôi học lại trên Youtube. Lớp học giúp tôi có thêm kiến thức, có thêm những người bạn, có thêm những trải nghiệm và luôn cảm thấy được động viên cổ vũ. Cảm ơn TS Nguyễn Văn Kiền và Team Mekong Organics với thái độ làm việc chuyên nghiệp và rất hiệu quả. Hy vọng sau khóa học này sẽ thiết lập được mạng lưới những người nghiên cứu, đào tạo, kinh doanh, sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam.
Bạn ơi - đường đi ngay dưới chân mình. Tôi đã yêu, đam mê và kiên định với mục tiêu. Tôi đã lựa chọn nông nghiệp hữu cơ đã miệt mài cống hiến và bước đầu thành công. Chúc các bạn trong lớp học do Mekong Organics tổ chức sẽ có những lựa chọn sáng suốt và thành công trên con đường đã chọn.
NGUT.TS. Trần Thị Thanh Bình
Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Đại học Lâm Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây