Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam: Nông nghiệp Hữu cơ về cơ bản nằm trong Nông nghiệp sinh thái

Thứ năm - 02/11/2023 08:04
Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam, Uỷ viên Ban Thường vụ Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam đã có bài tham luận về khái niệm Nông nghiệp sinh thái, Nông nghiệp Hữu cơ.
Bà Từ Thị Tuyết Nhung phát biểu tại Hội thảo
Bà Từ Thị Tuyết Nhung phát biểu tại Hội thảo

Sáng 1/11/2023, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức buổi hội thảo “Chuyển đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế và phát triển nông nghiệp sinh thái”. Buổi hội thảo thu hút sự tham gia của khoảng 40 đại biểu tham dự trực tiếp và 100 đầu cầu là Sở NN&PTNT các tỉnh, các công ty về công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, các Hiệp hội…

Tại buổi hội thảo, bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam (thuộc Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam) đã trình bày tham luận khái niệm cơ bản về Nông nghiệp sinh thái (NNST) và Nông nghiệp Hữu cơ (NNHC)

Theo bà Nhung, trong những năm gần đây, bên cạnh NNHC, thuật ngữ Agroecology được nhắc đến rất nhiều trong các tài liệu, các hội thảo và chủ trương phát triển của nhà nước. Nhiều các nghiên cứu, tài liệu được FAO tập hợp và phát triển công cụ chuyển giao, thúc đẩy mạnh mẽ việc vận dụng các nguyên tắc của Agroecology trên toàn cầu trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên trong nhiều cuộc hội thảo bàn về lĩnh vực này, có nhiều ý kiến phản biện khi thuật ngữ Agroecology được chuyển sang tiếng Việt là “Nông nghiệp sinh thái”.

Vị thuyền trưởng của PGS Việt Nam cho biết, trước hết, để vận dụng đúng đắn và chuyển giao kiến thức cho mỗi phương thức sản xuất nào đó, người phát triển hay người sản xuất cần hiểu rõ nguyên tắc và những đặc tính quan trọng của mỗi hệ thống nông nghiệp để có phương pháp tiếp cận và vận dụng hợp lý.

NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ

4 nguyên tắc Sức khỏe - Sinh thái – Cẩn trọng – Công bằng, chính là kim chỉ nam cho việc chuẩn hóa các biện pháp kỹ thuật tạo ra trọn vẹn một sản phẩm hữu cơ đúng nghĩa. Các sản phẩm được dán nhãn là Hữu cơ đều có quy định mang tính bắt buộc rằng hệ thống sản xuất tạo ra sản phẩm phải tuân thủ những tiêu chuẩn được định rõ dựa trên 4 nguyên tắc trên.

Hiểu một cách tóm lược, sản xuất Hữu cơ phải dựa trên một hệ thống sản xuất tổng hòa, vận dụng triết lý và nguyên lý của sinh thái học vào sản xuất nông nghiệp, tăng cường đa dạng sinh học, kế thừa các phương pháp truyền thống, khuyến khích các loài giống bản địa trong một đời sống công bằng cho muôn loài và vận dụng khoa học kỹ thuật một cách cho chọn lọc.

Việc loại trừ hóa chất tổng hợp trong sản xuất Hữu cơ thay thế bằng các nguyên liệu có khả năng tái tạo và tái sử dụng các vật liệu Hữu cơ sẵn có ở địa phương là một chuẩn mực cứng rắn để giúp nhanh chóng phục hồi và duy trì một hệ sinh thái nông nghiệp lành mạnh, bền vững.    

AGROECOLOGY

Được Việt hóa ngắn gọn là “Nông nghiệp sinh thái” trong tất cả các tài liệu và văn bản đã gây ra nhiều ý kiến phản biện về dịch thuật. Thuật ngữ có thể không chuyển tải đủ bản chất, quan trọng là những nguyên tắc và đặc tính quan trọng của nông nghiệp dựa vào triết lý sinh thái học cần được hiểu đúng và truyền đạt dễ hiểu nhất tới người sản xuất để giúp họ vận dụng.

Thực tế nông nghiệp dựa vào nguyên lý sinh thái hay vẫn được gọi là “Nông nghiệp sinh thái” hiện nay không mới ở Việt Nam. Từ những năm 90, cụm từ sinh thái đã được đề cập trong các tài liệu kỹ thuật hướng dẫn thực hành sản xuất nhưng không mở rộng ra các yếu tố liên quan đến kinh tế, xã hội, môi trường của quan điểm bền vững.

Cho đến nay, khái niệm về NNST được phát triển toàn diện hơn. Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO) đã tổng hợp, hệ thống hóa lý luận về NNST và tài liệu hóa các công cụ để phổ biến và thúc đẩy toàn cầu một nền nông nghiệp bền vững dựa vào nguyên lý sinh thái, đảm bảo an ninh lương thực và công bằng xã hội.

Theo đó, NNST được định nghĩa là một phương pháp tiếp cận tổng hợp chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội. 10 yếu tố của NNST cùng 13 nguyên tắc ở 5 cấp độ chuyển đổi sang NNST được FAO đưa ra hướng dẫn các quốc gia chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực, lồng ghép nông nghiệp bền vững trên quy mô lớn nhằm đạt được mục tiêu không còn nạn đói và nhiều mục tiêu phát triển bền vững khác của các nước.

Có thể thấy, NNHC và NNST đều vận dụng các nguyên tắc sinh thái trong thiết kế hệ thống sản xuất theo quy mô khác nhau nhằm tăng cường lợi ích qua các mối tương tác sinh thái kết hợp khoa học với kiến thức truyền thống và thực tiễn tại địa phương. Cả hai đều tăng cường khả năng tự chủ và năng lực thích ứng của nhà sản xuất và cộng đồng.

Trong khi NNHC được chuẩn hóa thì NNST mềm dẻo linh hoạt hơn trong lựa chọn về quy mô, có thể tích hợp một phần hoặc toàn phần. NNHC ngay khi công bố chuyển đổi đã phải tuân thủ tiêu chuẩn thì NNST có thể cho phép chuyển đổi qua các cấp độ khác nhau. NNHC có những chi tiết khắt khe loại trừ đầu vào từ hóa chất tổng hợp, hoặc các tác nhân không thể dự đoán được nguy cơ như biến đổi gen (GMO), trong khi NNST không cụ thể hóa các đầu vào.

Bởi vậy NNST giúp cung cấp các giải pháp phù hợp với bối cảnh và giải quyết các vấn đề của địa phương, khu vực. Ngoài ra, trong các nhóm phương thức NNST được FAO đưa ra, NNHC là một trong 6 phương thức sản xuất trong nội hàm bao trùm của NNST không thể tách rời.

NNHC là một trong 6 phương thức sản xuất trong nội hàm bao trùm của NNST

SẢN XUẤT “HƯỚNG HỮU CƠ”

Đây là cách dùng từ đang rất phổ biến để tuyên truyền thúc đẩy phong trào sản xuất Hữu cơ hiện nay ở hầu hết các địa phương. Khi trao đổi với người sản xuất “hướng Hữu cơ”, hầu như họ không biết về các nguyên tắc của Nông nghiệp Hữu cơ và không hiểu tiêu chuẩn Hữu cơ họ cần phải áp dụng.

Cách tuyên truyền sản xuất “hướng Hữu cơ” làm cho người sản xuất hiểu sai bản chất của NNHC chỉ đơn giản là giảm thiểu đầu vào hóa học, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng về các sản phẩm Hữu cơ họ đang muốn tìm kiếm, và cảnh báo về mức độ nguy hiểm của sự không trung thực khi đã thành thói quen mặc định khó thay đổi  khi sản xuất ra các sản phẩm “hướng Hữu cơ” vẫn được sử dụng phân bón và thuốc BVTV hoá học.

Theo Nghị định 109-2018/NĐCP của Chính phủ về NNHC, sản phẩm Hữu cơ được sản xuất, canh tác theo một loại tiêu chuẩn Hữu cơ nhất định. Người sản xuất Hữu cơ có quyền tuyên bố tiêu chuẩn họ đang làm theo. Khi một trang trại bắt đầu quyết định làm Hữu cơ, người sản xuất cần chọn tiêu chuẩn Hữu cơ nào đó để thực hiện theo và sẽ phải trải qua giai đoạn chuyển đổi.

Ngay từ khi bắt đầu chuyển đổi, người sản xuất đã phải dừng sử dụng các đầu vào hóa chất tổng hợp thay vì giảm từ từ và phải áp dụng đúng tiêu chuẩn sản xuất Hữu cơ họ chọn làm theo. Thời gian chuyển đổi dài hay ngắn tuỳ thuộc vào đối tượng sản xuất, vào tiêu chuẩn Hữu cơ được chọn và điều kiện sản xuất có mức độ ô nhiễm khác nhau. Quá trình chuyển đổi có thể bị kéo dài thêm thời gian nếu không tuân thủ tiêu chuẩn Hữu cơ.

Như vậy, xét về góc độ chuyên môn của NNHC, có các loại sản phẩm hiện hữu ở thị trường:

  1. Sản phẩm Hữu cơ được sản xuất tuân thủ tiêu chuẩn Hữu cơ cụ thể của Việt Nam, của Mỹ, của châu Âu hay của Nhật Bản. Các sản phẩm này được đánh giá và công nhận đạt chuẩn bởi các tổ chức chứng nhận độc lập hoặc chứng nhận cộng đồng.
  2. Sản phẩm chuyển đổi là loại được công nhận đang trong quá trình chuyển đổi Hữu cơ theo tiêu chuẩn cụ thể của Việt Nam, của Mỹ, châu Âu, hay Nhật Bản… Các sản phẩm chuyển đổi được ghi nhãn rõ ràng trên bao bì theo quy định của tiêu chuẩn được người sản xuất chọn làm theo
  3. Sản phẩm “hướng Hữu cơ” thực chất không phải là sản phẩm Hữu cơ, không sản xuất theo tiêu chuẩn dù người sản xuất tuyên bố có giảm bớt các đầu vào hóa học tổng hợp.

Để thay đổi nhận thức đúng cho người sản xuất, để đảm bảo một thị trường minh bạch, các cơ quan chuyên môn đang thúc đẩy phong trào sản xuất Hữu cơ, nên hướng cho người sản xuất lựa chọn một trong 6 phương thức canh tác dựa vào nguyên lý sinh thái (Agroecology), ghi nhãn phù hợp, giúp nông dân tiếp cận sản phẩm sinh thái ra thị trường, thay vì chỉ cố gắng gắn thêm cụm từ “Hữu cơ” chạy theo xu thế.

Cuối cùng bà Từ Thị Tuyết Nhung đề xuất cần phát triển tài liệu hướng dẫn người sản xuất về Nông nghiệp sinh thái với các thuật ngữ dễ hiểu, dễ tiếp cận. Tập huấn và sử dụng công cụ đánh giá TAPE để đánh giá các mức độ sản xuất của NNST để ghi nhãn, giúp nông dân bán sản phẩm sinh thái mới có thể thúc đẩy sản xuất và lan toả NNST.

Một số hình ảnh của buổi hội thảo:

TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phát biểu khai mạc Hội thảo và là người điều hành Hội thảo

TS Trần Công Thắng báo cáo đề dẫn Chuyển đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế và phát triển NNST

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn trình bày tham luận "Một nền kinh tế nông nghiệp là gì và làm thế nào có được?"

PGS. TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam trình bày tham luận "Phương pháp tiếp cận chuyển đổi NNST phù hợp với Việt Nam"

TS Phạm Văn Hội (Trung tâm Sinh thái Nông nghiệp - Học viện NNVN) trình bày tham luận "Nông nghiệp sinh thái: Giải pháp tăng hiệu quả sản xuất, thích ứng và giảm nhẹ rủi ro"

Sở NN&PTNT Sóc Trăng báo cáo thực tế phát triển nông nghiệp của tỉnh

Nguồn tin: Tạp chí điện tử Nông Nghiệp Hữu Cơ Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Bạn biết gì về Nông nghiệp Hữu cơ?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây