Trước tiên hãy nói về tình trạng hiện nay. Nước đang bị ô nhiễm do nhiều nguyên nhân:
- Ô nhiễm hoá học thành mưa a xit hoặc đi thẳng vào dòng nước từ các khu công nghiệp.
- Lạm dụng phân bón hoá chất trong nông nghiệp như bón NPK vô cơ
- Do vi khuẩn, virus, nước ít oxy, thiếu ánh sáng mặt trời hoặc hệ thống nước bị khai thác sử dụng quá mức...
Chúng ta đã làm gì để canh tác tốt trên mảnh đất của nhà mình?
Chúng ta đã làm gì để tích lũy nước mưa?
Chúng ta đã làm gì để hạn chế xói mòn, rửa trôi đất, giữ nước trong đất?
Đó là những câu hỏi mà TS. Trần Thị Thanh Bình hay sử dụng để hỏi nông dân sản xuất hữu cơ. Và các bác Nông dân hữu cơ trên mọi miền tổ quốc có những cách làm rất thông minh, họ dựa vào kinh nghiệm sản xuất và tập quán canh tác và đưa ra một số kinh nghiệm để giữ nước:
1. Đào rãnh: Kỹ thuật này không được lật úp đất mặt, chỉ dùng cuốc rạch rãnh và trồng cây quanh rãnh đó.
2. Đào mương: Đào mương giữ nước làm chậm dòng chảy xuống sườn dốc, mương được đào theo đường đồng mức (vành nón) để trữ nước trong điều kiện ở Miền Núi.
3. Che phủ đất: Sẽ giảm sự bốc hơi nước, tăng nước ngấm vào đất, giảm xói mòn, điều hoà nhiệt độ mùa hè mát, mùa đông ấm áp ngăn cỏ dại, cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây trồng, tận dụng phụ phẩm của vườn/nương để che phủ đất.
4. Dự trữ nước mưa cho gia đình: Nước mưa là loại nước rất tốt sử dụng trong sản xuất trồng trọt hữu cơ. Vậy bạn đã dự trữ nước mưa như thế nào? Đào mương, đào ao, hay xây bể? Có rất nhiều giải pháp để tích trữ nước mưa. Quan trọng là bạn có mong muốn làm hay không? Nếu không có ý thức dự trữ nước mưa, bạn có nhiều lý do để bao biện.
TS. Trần Thị Thanh Bình đi tập huấn luôn quan sát nông dân và thấy rằng những người nông dân sản xuất hữu cơ họ tìm mọi cách để dự trữ nước mưa vì họ biết tác dụng tuyệt vời của nó.