PGS Việt Nam sơ kết đánh giá 6 tháng đầu năm 2019

Thứ ba - 08/10/2019 04:07
Trong tháng 6 và đầu tháng 7/2019, các liên nhóm hữu cơ Thanh Xuân, Lương Sơn và Trác Văn thuộc hệ thống PGS Việt Nam đã tổ chức họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 để đánh giá các hoạt động sản xuất, tiêu thụ, báo cáo công tác giám sát thanh tra và đôn đốc xử lý vi phạm cũng như triển khai kế hoạch trong thời gian tiếp theo. Như thường lệ ngoài sự tham gia của trưởng các nhóm nông dân sản xuất trực thuộc, còn có sự tham gia của thường trực Hội Nông dân, Hội phụ nữ nơi đang điều phối các hoạt động PGS tai địa phương và các công ty thu mua sản phẩm. Với giá trị cốt lõi của PGS là đảm bảo chất lượng các sản phẩm hữu cơ được nông dân quy mô nhỏ sản xuất theo tiêu chuẩn PGS, Ban điều phối luôn định hướng, bám sát và hỗ trợ các hoạt động giám sát thanh tra tại các liên nhóm để đảm bảo sản phẩm khi đưa ra thị trường thực sự tin cậy.
Rau Thanh Xuân (Hết Rau)
Rau Thanh Xuân (Hết Rau)

Tại Liên nhóm Thanh Xuân, nơi vẫn luôn là cánh chim đầu đàn của phong trào sản xuất hữu cơ trong hệ thống PGS. Với tổng số 22 nhóm sản xuất cùng 101 nông dân, công tác giám sát và thanh tra chéo tại liên nhóm được duy trì tốt theo kế hoạch được lập từ đầu năm. Sản lượng bán ra 6 tháng đầu năm của 2019 đạt 171 tấn tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù diện tích có giảm đi gần 2 ha do chấm dứt sự tham gia của 3 nhóm sản xuất không hiệu quả. Các giảng viên nông dân được đào tạo trong dự án của ADDA đã trở thành những hạt nhân tích cực thúc đẩy phong trào sản xuất hữu cơ địa phương dưới sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Hội Nông dân xã Thanh Xuân trong suốt hơn 10 năm qua.

 

Ảnh: Nông dân hữu cơ Thanh Xuân trực tiếp bán giới thiệu rau hữu cơ đến người tiêu dùng Hà Nội.

Liên nhóm Lương Sơn, với những đặc thù riêng một huyện miền núi thuộc tỉnh Hòa Bình, nông nghiệp hữu cơ nơi đây đã được tiếp sức thêm bởi dự án MOAP của Hiệp Hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (VOAA) do ADDA tiếp tục tài trợ. Thêm nhiều nhóm mới được thành lập trên các xã mới được mở rộng là một lợi thế và cũng là thách thức lớn đối với Hội Nông dân Lương Sơn trong công tác quản lý và giám sát chất lượng theo quy định của PGS. Với 19 nhóm mới được thành lập qua dự án MOAP đưa tổng số nhóm của Lương Sơn lên 39 nhóm sản xuất, PGS Việt Nam sau khi xem xét đã chấp nhận 28 nhóm của Lương Sơn chính thức nằm trong hệ thống PGS Việt Nam cùng 241 nông dân sản xuất trên diện tích 27,4 ha, trong đó có 18 ha đã được cấp chứng nhận. Hiện Lương Sơn, ngoài các nhóm sản xuất rau, đã thành lập thêm các nhóm trồng cây ăn quả và nhóm chăn nuôi gà trong khuôn khổ dự án của VOAA. Khác với Thanh Xuân, các nhóm sản xuất tại Lương Sơn dàn trải ở 8 xã cách xa nhau là một khó khăn lớn đòi hỏi Lương Sơn phải mạnh dạn cải tiến phương thức quản lý. Mặc dù thêm nhiều nhóm mới thành lập, diện tích sản xuất tăng lên nhưng hiện các diện tích này đang trong quá trình chuyển đổi nên chưa có sản phẩm. Ngoài ra thời tiết biến đổi bất thường đã làm ảnh hưởng lớn đến sản lượng và chất lượng sản phẩm. Sản lượng 6 tháng đầu năm của Lương Sơn chỉ đạt gần 50 tấn giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Hội Nông dân và Liên nhóm cùng Ban Điều Phối đang rà soát, củng cố các nhóm và cương quyết từ chối sự tham gia của các nhóm hoạt động không hiệu quả để đảm bảo chất lượng sản xuất trong toàn hệ thống.

 

Ảnh: Họp liên nhóm Lương Sơn- Hòa Bình

Trác Văn thuộc Duy Tiên Hà Nam với ưu đãi của một vùng đất màu mỡ do phù sa sông Hồng bồi đắp đã hình thành các tổ nhóm sản xuất dưới một dự án của Hội phụ nữ huyện và đăng ký vào PGS năm 2013. Liên nhóm từ 2 nhóm sản xuất ban đầu đã mở rộng diện tích và thành lập thêm 2 nhóm mới trên diện tích gần 4 ha. Đến nay, Trác Văn chỉ còn 3 nhóm với số nông dân là 28 sản xuất trên diện tích 2,1 ha đã được cấp chứng nhận. Một nhóm Nguyên Đức sau nhiều lần vi phạm lặp lại các vấn đề liên quan đến tính minh bạch đã chính thức bị PGS chấm dứt sự tham gia.

 

Ảnh: Họp liên nhóm Trác Văn- Hà Nam, 6 tháng đầu năm 2019.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, PGS đã chuyển đổi phương thức đánh giá 2 nhóm sản xuất tại Liên nhóm Hiền Ninh – Sóc Sơn sang phương thức đánh giá trang trại tư nhân. Hai trại Trương Gia Viên và Ngân Hà đã được trực tiếp điều phối thanh tra, giám sát bởi Ban điều phối PGS và sau 2 lần được yêu cầu củng cố, đã được BĐP cấp chứng nhận PGS. Phương thức đánh giá và cấp chứng nhận PGS cho các trại tư nhân sau 1 năm chuẩn bị sẽ được phổ biến và áp dụng cho các trại sản xuất nhỏ đáp ứng nhu cầu của các trại nhỏ hiện nay. Với mức chi phí thanh tra hợp lý, được giám sát và sử dụng thanh tra viên trong mạng lưới PGS địa phương đã làm giảm rất lớn áp lực chi phí thanh tra cho các đối tượng ngoài nhóm nông dân sẽ giúp các trại sản xuất vững tâm sản xuất và tiếp cận sản phẩm của mình ra thị trường.  

 

Chính sách đang được nhà nước mở ra cho nông nghiệp hữu cơ hiện nay đã kích thích các địa phương bắt tay vào sản xuất hữu cơ và tạo một môi trường cạnh tranh cho nông dân sản xuất nhỏ trong PGS. Ngoài các yếu tố thời tiết ngày càng bất lợi cho sản xuất nông nghiệp đòi hỏi nông dân phải thích ứng, chính môi trường cạnh tranh trong sản xuất đang đặt nông dân vào vị trí phải luôn cập nhật và cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng để tồn tại và phát triển thay vì trông chờ ỷ lại. Một thị trường hữu cơ ngày càng sôi động, chính sách cho nông nghiêp hữu cơ của nhà nước đang dần hoàn chỉnh sẽ là thời điểm tốt cho cả những người sản xuất chân chính và cả những kẻ tát nước theo mưa. PGS Việt Nam với nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật và đảm bảo chất lượng, đang đảm nhiệm chức năng quan trọng trong Hiệp Hội Nông Nghiêp hữu cơ, phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Hiệp Hội thúc đẩy, định hướng các doanh nghiệp và nông dân chuẩn hóa sản xuất, mở rộng phạm vi tiếp cận sản phẩm vào thị trường trong nước và Quốc Tế.

 

 

Tháng 7/2019

Ban điều phối PGS Việt Nam 

Nguồn tin: vietnamorganic.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết gì về Nông nghiệp Hữu cơ?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây