Sáng ngày 16/4, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo Khởi động dự án “Tăng cường năng lực cho nông dân quy mô nhỏ thông qua việc thống nhất mạng lưới PGS hữu cơ tại Việt Nam” - ESUP. Chủ tịch Hiệp Hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam (VOAA) Hà Phúc Mịch chủ trì hội thảo.
Chủ tịch VOAA Hà Phúc Mịch chủ trì Hội thảo
Quảng bá nông sản hữu cơ với bạn bè quốc tế
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Minh Đức, Phó Chủ tịch VOAA thông tin: Hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) là một hệ thống chứng nhận được liên đoàn các phong trào Nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM) phát triển, dành cho việc kiểm soát các sản phẩm nông nghiệp sản xuất bởi những người nông dân sản xuất quy mô nhỏ.
PGS kể từ khi được IFOAM khởi xướng năm 2004 từ các phong trào nông dân khu vực châu Mỹ la tinh, châu Âu, đến nay đã có 77 nước đang áp dụng với 235 PGS được hình thành ở cả các nước phát triển và đang phát triển như một sáng kiến giúp nông dân nhỏ kết nối sản phẩm ra thị trường.
Theo ông Đức, Hệ thống PGS ở Việt Nam được hình thành từ năm 2009 trong khuôn khổ dự án “Phát triển Nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam” của ADDA Đan Mạch phối hợp thực hiện với Hội Nông dân Việt Nam và hiện nay PGS đã được Chính Phủ khuyến khích áp dụng thông qua Nghị định 109/2018/NĐ-CP.
Hiện tại, trên cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình PGS sản xuất hữu cơ và PGS ở các địa phương. VOAA đã đề ra chủ trương liên kết các PGS trên toàn quốc thành mạng lưới thống nhất để hỗ trợ phát triển và đảm bảo các hệ thống PGS này hoạt động phù hợp với giá trị cốt lõi của PGS, thích ứng với các điều kiện đặc thù của mỗi địa phương.
“Sau 2 năm nỗ lực lên ý tưởng và xây dựng thì đề xuất dự án ESUP đã hoàn thành và được phê chuẩn bởi CISU (quỹ xã hội dân sự phát triển của Đan Mạch)”, ông Đức cho hay.
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Chia sẻ với ông Soren Thorndal Jorgensen, Chủ tịch ADDA Đan Mạch và nhiều đại biểu tham dự buổi hội thảo, Chủ tịch VOAA Hà Phúc Mịch cho biết, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã trở thành nền nông nghiệp của nước ta và tích cực hội nhập với xu hướng thế giới.
Sau khi Nghị định 109/2018 và Đề án Phát triển Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030 (Đề án 885) ra đời đã góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam rất mạnh mẽ.
“Đến nay, cả nước có hơn 50 tỉnh, thành phố có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và hơn 20 tỉnh sau có khi Nghị định 109 và Đề án 885 đã triển khai chính sách, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ tại các tỉnh”, Chủ tịch Hà Phúc Mịch bộc bạch.
Người đứng đầu VOAA vui mừng, Đại hội Đảng lần thứ 13 vừa qua, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hà Phúc Mịch, hằng năm, chúng ta vẫn đưa các đoàn sang nước ngoài để quảng bá, giới thiệu sản phẩm hữu cơ tại nhiều hội chợ quốc tế với các sản phẩm đa dạng; nhằm giới thiệu văn hóa, nông sản hữu cơ của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
“ADDA là 1 tổ chức đã thúc đẩy và xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Hơn 20 năm qua, ADDA đã đồng hành với nông nghiệp, nông dân Việt Nam, để đến ngày hôm nay trong nông nghiệp Việt Nam đã có nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam”, Chủ tịch Hà Phúc Mịch giới thiệu về ADDA.
Thành lập mạng lưới PGS quốc gia
Ông Soren Thorndal Jorgensen, Chủ tịch ADDA Đan Mạch phát biểu tại hội thảo
Tại Hội thảo, ông Soren Thorndal Jorgensen, Chủ tịch ADDA Đan Mạch giới thiệu về hoạt động: Năm 1999, ADDA bắt đầu hoạt động tại Việt Nam với dự án rau tại Hà Nội. Đến năm 2000, bắt đầu xây dựng dự án hữu cơ với Hội Nông dân Việt Nam.
Năm 2004, Danida phê duyệt dự án hữu cơ với ngân sách 2 triệu USD. Năm 2011, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ được thành lập. Năm 2012, dự án hữu cơ kết thúc.
Ông Soren cho biết thêm, dự án hữu cơ mới với VOAA được triển khai trong 3 năm (2016 - 2019) do CISU tài trợ. Mặc dù, dự án chưa được như mong đợi, song cũng đã được nhiều kết quả cao và là tiền đề để thực hiện các dự án tiếp theo.
Và, hiện tại dự án ESUP đã được phê duyệt và sẽ thực hiện trong 3 năm (2022 - 2024) do CISU tài trợ. Dự án tiếp tục phối hợp với Hiệp Hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam. Theo đó, Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Hội An (Quảng Nam) và Bến Tre là các địa phương tham gia dự án.
Chủ tịch VOAA Hà Phúc Mịch chụp ảnh kỷ niệm cùng các đại biểu
Chia sẻ về mục tiêu của dự án ESUP, ông Soren cho hay: Dự án phấn đấu đến trước ngày 31/12/2024 có 6 địa phương ở Việt Nam được thống nhất thành mạng lưới PGS hữu cơ quốc gia. Các thành viên của mạng lưới PGS hữu cơ quốc gia mở rộng hoạt động kinh doanh nông nghiệp của họ để tiếp cận thị trường nhiều hơn.
“Chúng tôi, cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến trước ngày 30/11/2024, mạng lưới PGS hữu cơ quốc quốc gia được công nhận và đang được hỗ trợ thông qua các chính sách cụ thể của địa phương và quốc gia”, ông Soren mong muốn.
Ông Soren cho biết thêm, việc tiếp cận của dự án sẽ có sự tham gia của hơn 6.000 hộ nông dân và thành viên của các PGS. Dự án dự kiến sẽ tiếp cận được nhiều đối tượng tiêu dùng và các hoạt động dự án cụ thể ước tính sẽ tiếp cận hơn 1 triệu người.
Bà Từ Tuyết Nhung, Trưởng Ban điều phối PGS Việt Nam chia sẻ, hiện nay, cả nước xuất hiện nhiều PGS để hỗ trợ cho nông dân. Trên thực tế, hơn 60% nông dân là nông dân sản xuất nhỏ, yếu thế, họ không có nguồn lực để đạt được chứng nhận quốc tế. Bởi vậy, dự án ESUP sẽ giúp họ nâng cao năng lực và kết nối cộng đồng với nhau
“Dự án sẽ kết nối các hộ nông dân với nhau chặt chẽ hơn, không chỉ từng cá thể, mà từng tổ, từng nhóm thành 1 nhóm rộng hơn nữa”, bà Nhung cho biết.
Bà Nhung nhấn mạnh, mục tiêu của dự án ESUP là sẽ nâng cao cơ hội sinh kế cho nông dân hữu cơ quy mô nhỏ qua việc cải tiến tổ chức, thống nhất trong mạng lưới PGS hữu cơ quốc gia; tạo cơ hội kinh doanh, chia sẻ thị trường nhiều hơn cho các nông sản PGS, làm tăng năng lực vận động chính sách.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về định hướng phát triển PGS Việt Nam, thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đa phần các đại biểu mong muốn mở rộng PGS ở các địa phương và xu hướng thành lập mạng lưới PGS quốc gia để nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa. |
Mai Chiến / https://nongnghiephuucovn.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn