KỸ THUẬT TRỒNG CÂY DÂU TÂY THEO PHƯƠNG PHÁP HỮU CƠ

Thứ sáu - 06/05/2022 00:40
Dâu tây là loại quả được nhiều người ưa thích bởi mùi hương thơm đặc trưng, vị chua chua ngọt ngọt và màu đỏ bắt mắt của trái dâu khi chín. Ở Việt Nam, địa danh được biết đến đầu tiên khi nhắc đến dâu tây là Đà Lạt, Lâm Đồng. Tuy nhiên, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã được biết đến như là một thủ phủ trồng dâu tây ở khu vực phía Bắc với diện tích trồng được mở rộng hàng năm và chất lượng quả không thua kém dâu tây được trồng tại Đà Lạt. Đặc biệt, với nhu cầu ngày càng cao về các sản phẩm dâu tây sạch và an toàn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, tạo ra sản phẩm đặc trưng riêng của dâu tây Mộc Châu, việc gây trồng dâu tây theo phương pháp hữu cơ đang là hướng đi được Hội nông dân Mộc Châu quan tâm phát triển. Sau đây xin giới thiệu với bà con kỹ thuật gây trồng Dâu tây theo phương pháp hữu cơ đang được áp dụng có hiệu quả trên địa bàn huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
KỸ THUẬT TRỒNG CÂY DÂU TÂY THEO PHƯƠNG PHÁP HỮU CƠ

1. Chọn giống

Hiện nay trên thị trường có nhiều giống dâu tây khác nhau theo nguồn gốc xuất xứ như dâu tây Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, Newzealand, … mỗi loại có những đặc điểm riêng. Trên địa bàn huyện Mộc Châu, giống dâu tây được trồng phổ biến hiện nay là giống dâu tây Hanah của Nhật. Mặc dù kích thước quả không lớn như một số giống dâu của Mỹ, Pháp, … nhưng dâu tây Hanah có vị thơm, ngọt, quả đều, khi chín có màu đỏ tươi rất đẹp và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Dâu tây Hanah thường được người dân nhân giống từ ngó, bà con có thể tự nhân giống hoặc đặt mua tại các cơ sở sản xuất giống dâu tây trên địa bàn.

Tiêu chuẩn cây con đem trồng: Chọn cây sinh trưởng khỏe mạnh, không sâu bệnh, bộ rễ phát triển đầy đủ, chiều cao từ 8 - 12 cm, có 3 - 4 lá.

2. Làm đất, lên luống:
- Lựa chọn đất trồng: Chọn đất thịt nhẹ, tơi xốp, cao ráo, thoát nước tốt. Trên địa bàn huyện Mộc Châu, nên lựa chọn các khu vực đất đỏ, nhiều mùn, tơi xốp sẽ giúp cây sinh trưởng tốt và cho năng suất cao hơn so với các loại đất khác. Trong canh tác hữu cơ, đất trồng phải được lấy mẫu phân tích đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn của sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC).

- Làm đất, bón lót: Cày xới toàn bộ diện tích trồng, thu dọn tàn dư thực vật; bón lót phân chuồng hoai mục, liều lượng bón 45-48 tấn/ha. Vôi bột: 8 - 10 tạ/ha. Bón lót trước khi trồng 7 - 10 ngày.
- Lên luống: rộng 45 - 50 cm, chiều cao luống 35 - 40 cm. Khoảng cách giữa các luống 70 cm.
3. Thời vụ và cách trồng
- Thời vụ trồng: Thời gian trồng từ tháng 9 đến tháng 11.
- Cách trồng: Khoảng cách cây cách cây 35 – 40 cm, hàng cách hàng 30 – 35 cm, mỗi luống trồng 2 hàng, so le nhau, cách mép luống 10 cm. Xé bỏ vỏ bầu, dùng tay tạo 1 hố kích thước 10 x 10 x 10 cm, đặt cây thẳng vào chính giữa hố, lấp đất ngang miệng bầu, tránh lấp kín cổ rễ ảnh hưởng đến quá trình ra lá và đẻ nhánh của cây. Tưới nước đủ ẩm cho cây sau trồng.
4. Chăm sóc 
- Tưới nước: Nước dùng để tưới cho canh tác hữu cơ phải được phân tích để đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn trong NNHC. Với những vườn trồng dâu tây diện tích lớn, nên thiết kế hệ thống tưới phun sương và tưới nhỏ giọt dọc theo các luống để thuận tiện cho quá trình chăm sóc.
Hệ thống tưới phun sương và tưới nhỏ giọt cho vườn Dâu tây

Từ sau khi trồng đến trước khi cây ra hoa, cách 1 ngày tưới nước 1 lần (có thể tưới vào sáng sớm hoặc chiều mát) đảm bảo độ ẩm 70 - 80%. Khi cây bắt đầu ra hoa (2,5 tháng sau trồng) đến khi thu hoạch cứ 3 ngày tưới nước/lần, độ ẩm 40 - 60%/lần tưới. Ngoài ra, trong quá trình canh tác, vào giai đoạn mùa đông, khi thời tiết lạnh có thể xuất hiện sương muối và băng giá, làm cho lớp nước trên bề mặt lá có thể bị đóng băng, vào những thời điểm xuất hiện hiện tượng sương muối, hoặc băng giá, nên tiến hành tưới rửa sương vào buổi sáng sớm.

- Bón phân: Sử dụng nguồn đạm từ đậu tương và cá để bón cho cây sau khi trồng.
+ Đậu tương: liều lượng sử dụng cho 1 ha là 200 kg đậu tương ngâm với 800 lít nước, trộn thêm chế phẩm EM (250 g), ngâm trong 2 tháng, sau đó chắt lấy dung dịch. Khi bón hòa dung dịch đậu tương với nước theo tỉ lệ 400 lít dung dịch hòa với 1.600 lít nước sạch. Thời điểm bón: bón lần 1 sau trồng 10 ngày, sau đó bón theo định kỳ 15 ngày/lần đến khi cây ra hoa thì ngừng.
+ Đạm từ cá: có thể sử dụng dung dịch cá thành phẩm được bán trên thị trường. Liều lượng 1 lần bón 10 lít/ha. Khi bón hòa 10 lít dung dịch cá với 1.000 lít nước sạch, bón theo hệ thống tưới nhỏ giọt để tránh thất thoát lãng phí. Bón định kỳ 15 ngày/lần từ khi cây ra hoa cho đến khi thu hoạch.
- Dàn che và che phủ bề mặt: Để phòng trừ cỏ dại trong quá trình canh tác, cần sử dụng biện pháp che phủ cho dâu tây khi trồng. Có thể sử dụng màng phủ nilon hoặc rơm để che phủ trên luống. Nếu sử dụng màng nilon, tiến hành che phủ toàn bộ diện tích ruộng trồng ngay sau khi bón lót và lên luống. Nếu sử dụng rơm rạ: dùng rơm rải đều, kín toàn bộ bề mặt luống và xung quanh gốc cây. Việc che phủ được thực hiện sau khi trồng 30 ngày.
Làm dàn che bằng nilon, nên thiết kế dàn che cao ráo đảm bảo độ thông gió giúp cây sinh trưởng tốt, hạn chế bệnh hại.
Dàn che và màng phủ nilon trong canh tác dâu tây

- Cắt tỉa:
+ Tỉa lá: Trong quá trình chăm sóc, định kỳ 1 tháng/lần tiến hành cắt tỉa bỏ bớt các lá già, sâu bệnh, lá bị che khuất ở tầng dưới để giúp cây sinh trưởng tốt.  Chú ý không nên tỉa quá nhiều lá sẽ mất khả năng quang hợp của cây. Các bộ phận của cây sau khi cắt tỉa cần thu dọn và mang tiêu huỷ ở cách xa nơi trồng.
+ Tỉa nhánh: sau khi trồng khoảng 2 tháng, tiến hành tỉa bớt các nhánh, chỉ để lại 3 - 4 nhánh khỏe mạnh/gốc, phân tán đều theo các hướng
+ Tỉa hoa: Dâu tây ra hoa làm nhiều đợt, mỗi đợt ra hoa nên tiến hành tỉa bớt để đảm bảo dinh dưỡng nuôi quả, chỉ để lại 3 - 4 hoa/nhánh. Thông thường nên ngắt bỏ đợt hoa đầu tiên để tạo điều kiện cho cây phát triển tốt
Dâu tây ra hoa làm nhiều đợt, cần tỉa bớt hoa để đảm bảo dinh dưỡng nuôi quả

5. Phòng trừ sâu, bệnh hại
- Phòng trừ bọ trĩ: bọ trĩ thường xuất hiện và gây hai trên cây dâu tây trong suốt giai đoạn kinh doanh. Sử dụng dung dịch thảo mộc gừng, tỏi, ớt phun định kỳ 1 tuần/lần từ sau khi trồng đến khi kết thúc chu kì kinh doanh. Liều lượng 1 lần phun: pha 1 lít dung dịch với 400 lít nước phun cho 1 ha, tiến hành phun đều trên toàn bộ diện tích ruộng trồng theo hình thức tưới phun sương.
- Phòng trừ bệnh phấn trắng: bệnh phấn trắng thường xuất hiện vào thời điểm cây bắt đầu ra hoa, khi thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao, thường thấy xuất hiện lớp bột trắng phía mặt dưới lá, làm cho cây bị héo và chết. Sử dụng chế phẩm hữu cơ sinh học Amtech 100EW phun định kỳ 1 tuần/lần, liều lượng 500 ml + 400 lít nước phun cho 1 ha, tiến hành phun đều trên toàn bộ diện tích ruộng trồng theo phương pháp tưới phun sương.
6. Thu hoạch
Dâu tây không chín thêm sau khi thu hoạch, do đó, để đạt chất lượng tốt nhất nên thu hoạch dâu tây khi quả đã chín đỏ đến 80% trái thì tiến hành thu hái. Phân loại và đóng gói dâu tây theo kích cỡ của quả, nên đóng dâu trong các hộp đặc biệt, tránh để các trái dâu tiếp xúc và cọ xát lẫn nhau. Trái dâu tây không bảo quản được lâu và chỉ nên bảo quản trong vài ngày, khi thu hoạch xong tốt nhất phải bảo quản và vận chuyển trong điều kiện lạnh.
z2862891301065 347ce5bfc01a86a629da39c3bfc6655a
Dâu tây được phân loại, đóng gói và dán nhãn sau thu hoạch tại HTX Nông nghiệp hữu cơ Đông Sang

Nguồn tin: Theo Tạp chí Nông nghiệp và PTNT, chuyên đề Khuyến nông số tháng 10 năm 2021

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây