Hội thảo quy tụ đông đảo đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã, cơ quan quản lý và chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững. Đây là diễn đàn thiết thực để các bên cùng chia sẻ thực trạng, phân tích những thiếu hụt về năng lực trong đào tạo và thực tiễn, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành.
Phát biểu khai mạc, GS.TS. Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng Nhà trường – nhấn mạnh vai trò của Trường Đại học Lâm nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững. GS. Điển nêu rõ: “Khoảng trống năng lực không phải là bất biến, mà thay đổi theo thời gian, không gian và đối tượng. Để xác định đúng khoảng trống, cần căn cứ vào mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn, đó là sự chênh lệch giữa cái cần có và cái hiện có.” Một trong những điểm mấu chốt là cần có bộ công cụ đánh giá phù hợp, giúp đo lường và xác định khoảng trống một cách hệ thống và thực tiễn. GS. Điển cũng nhấn mạnh thêm: “Nhà trường đang đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp và đối tác cả trong nước và quốc tế vì tương lai tốt hơn của người học, đồng thời góp phần thu hẹp khoảng trống trong nông nghiệp bền vững.”
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Bá Long – Viện trưởng Viện Quản lý Đất đai và Phát triển Nông thôn, Chủ nhiệm Dự án HARVEST, đã trình bày bối cảnh hình thành dự án, phân tích các khoảng trống trong chương trình đào tạo hiện hành, đặc biệt là kiến thức và kỹ năng về nông nghiệp sinh thái. TS. Long đề xuất xây dựng các khóa học ngắn hạn, đồng thời tích hợp nội dung nông nghiệp sinh thái vào các chương trình đại học và cao học.
TS. Đỗ Thị Hường – Điều phối viên dự án, đã trình bày các hoạt động chính mà Trường Đại học Lâm nghiệp đang triển khai: đánh giá khoảng trống năng lực; thiết kế khung năng lực; xây dựng chương trình đào tạo ngắn hạn; tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực; và chuẩn bị thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Nông nghiệp bền vững.PGS.TS. Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đã trình bày tổng quan về nông nghiệp sinh thái, nêu rõ những thách thức hiện nay, cùng các chính sách và mô hình đang được áp dụng tại Việt Nam.
Hai phiên thảo luận nhóm đã diễn ra sôi nổi, tập trung vào ba chủ đề:
1. Khoảng trống năng lực trong đào tạo và thực tiễn;
2. Nhu cầu của thị trường lao động;
3. Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục về nông nghiệp bền vững.
Các đại biểu chỉ ra những thiếu hụt phổ biến như kỹ năng thực hành, tư duy hệ thống, năng lực đổi mới sáng tạo và làm việc nhóm. Nhiều giải pháp được đề xuất như: phát triển khóa học thực tiễn, lồng ghép nội dung liên ngành, kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp và hợp tác xã, áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại phù hợp với chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0.
Một số hình ảnh của Hội thảo
GS.TS. Phạm Văn Điển (Hiệu trưởng) phát biểu chào mừng hội thảo
TS. Nguyễn Bá Long – Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và PTNT (Chủ nhiệm dự án)
TS. Đỗ Thị Hường (điều phối viên) trình bày tóm tắt dự án Havest
PGS.TS. Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) trình bày báo cáo về nông nghiệp sinh thái
PGS.TS. Bùi Thế Đồi (Phó Hiệu trưởng) phát biểu
PGS.TS. Phùng Văn Khoa (Phó Hiệu trưởng) phát biểu kết luận hội thảo
Ông Trần Mạnh Chiến – CEO hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm – Trưởng Ban điều phối PGS Việt Nam
TS. Trần Thị Thanh Bình – Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ – Trường Đại học Lâm nghiệp, UV Ban chấp hành Hiệp hội hữu cơ Việt Nam
Nguồn: Phòng HTQT