PGS VIỆT NAM: CHẤT KẾT DÍNH GIỮA BA BÊN NÔNG DÂN - DOANH NGHIỆP - NGƯỜI TIÊU DÙNG (PHẦN 1)

Thứ bảy - 21/10/2023 08:26
Cũng có nhiều nông dân đã không trụ lại được vì thấy tham gia vào PGS họ phải tuân thủ tiêu chuẩn khắt khe, phải làm việc có tổ chức và phải biết tôn trọng kỷ luật. Dần dà, không chỉ mỗi nông dân, hầu hết mọi người tham gia vào PGS mới vỡ nhẽ nhiều thứ, mới hiểu PGS đã làm cho mình thay đổi thế nào. Mọi người đều ý thức hơn, tự tin hơn, và đặc biệt là nông dân nhận thức tốt hơn về lợi ích họ có khi tham gia PGS đã gắn liền trách nhiệm của mình với cộng đồng và xã hội.Để hiểu rõ hơn về vai trò, chức năng, nhiệm vụ cũng như sự phát triển của PGS Việt Nam, phóng viên Tạp chí Hữu cơ Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam.
Bà Từ Thị Tuyết Nhung (phải) đã đồng hành cùng bà con nhiều năm qua để PGS Việt Nam ngày một phát triển và đóng góp cho xã hội, bên trái là ông Dương Xuân Khôi, Giám sát viên của Ban điều phối PGS Việt Nam

Bà Từ Thị Tuyết Nhung (phải) đã đồng hành cùng bà con nhiều năm qua để PGS Việt Nam ngày một phát triển và đóng góp cho xã hội, bên trái là ông Dương Xuân Khôi, Giám sát viên của Ban điều phối PGS Việt Nam

Thực hiện nhiệm vụ “bất khả thi”

PGS (Participatory Guarantee System - Hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia) là một thuật ngữ có lẽ không phải ai cũng hiểu một cách cặn kẽ, chính xác. Nhưng bà Nhung và các cộng sự đã và đang thực hiện nhiệm vụ tưởng chừng như “bất khả thi”, đó là giải thích để bà con nông dân hiểu và làm theo một cách tự nguyện.

Bà Nhung cho biết, khi bắt đầu vận dụng PGS vào năm 2008, không chỉ mỗi nông dân mà tất cả mọi người đều chưa biết thực chất PGS là gì, cho dù cụm từ được dịch sang tiếng Việt là “Hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia”.

Dự án mời chuyên gia từ IFOAM sang hỗ trợ, tổ chức các cuộc hội thảo giới thiệu về PGS, phát triển tài liệu hướng dẫn cùng các mẫu biểu hỗ trợ. Chỉ khi thực sự bắt tay vào xây dựng hệ thống, sự tham gia trực tiếp của nông dân và doanh nghiệp vừa vận hành, vừa học qua thực tiễn, vừa rút kinh nghiệm, cải tiến qua việc xử lý các tình huống tực tế mới dần hiểu cặn kẽ.

Bản chất của một PGS là hệ thống đảm bảo chất lượng nhưng lại bao gồm cả một mạng lưới có sự tham gia của nhiều người giám sát, đảm bảo chất lượng, vừa hỗ trợ sản xuất, nâng cao năng lực cho tất cả những ai tham gia, lại vừa giúp nông dân kết nối sản phẩm ra thị trường.

Cũng có nhiều nông dân đã không trụ lại được vì thấy tham gia vào PGS họ phải tuân thủ tiêu chuẩn khắt khe, phải làm việc có tổ chức và phải biết tôn trọng kỷ luật. Dần dà, không chỉ mỗi nông dân, hầu hết mọi người tham gia vào PGS mới vỡ nhẽ nhiều thứ, mới hiểu PGS đã làm cho mình thay đổi thế nào. Mọi người đều ý thức hơn, tự tin hơn, và đặc biệt là nông dân nhận thức tốt hơn về lợi ích họ có khi tham gia PGS đã gắn liền trách nhiệm của mình với cộng đồng và xã hội.

Rau hữu cơ dán tem PGS đã lên kệ ở nhiều cửa hàng thực phẩm sạch như: 
Bác Tôm, Tâm Đạt, Tràng An, Sói Biển...

PGS Việt Nam không ngừng lớn mạnh  

Ra đời vào cuối 2008 trong bối cảnh Chính phủ khi đó chưa có chính sách cho Nông nghiệp Hữu cơ. Một thị trường mất niềm tin về thực phẩm an toàn là một thách thức rất lớn khi đưa sản phẩm hữu cơ ra thị trường, và thuyết phục người tiêu dùng sản phẩm sản xuất ra không dùng hóa chất.
 

Chính sự quyết tâm của nông dân, sự ủng hộ to lớn về chính sách đất đai của chính quyền địa phương, đặc biệt vai trò quyết định của các doanh nghiệp, các cửa hàng thực phẩm sạch như Bác Tôm, Tâm Đạt, Tràng An, Sói Biển vv… đồng lòng cam kết bên cạnh nông dân đã đưa người tiêu dùng đến chứng kiến cách sản xuất của nông dân và chia sẻ những khó khăn nông dân đang nỗ lực vượt qua.

Thị trường đã dần chấp nhận các sản phẩm hữu cơ PGS đầu tiên, người tiêu dùng tìm kiếm nhiều hơn các sản phẩm của PGS đã tạo động lực cho nông dân tự tin mở rộng sản xuất. Báo đài nói nhiều hơn về hữu cơ, về hệ thống PGS đã thúc đẩy ra đời các chính sách cho Nông nghiệp Hữu cơ hiện nay.

Từ một PGS đầu tiên được thiết lập, đăng ký với IFOAM Quốc tế dưới tên “PGS Vietnam” vào 2009, xây dựng bộ tiêu chuẩn hữu cơ PGS để hướng dẫn nông dân áp dụng. Sự tin cậy của người tiêu dùng đã tạo động lực cho nông dân và các bên liên quan.

Phương pháp tiếp cận của PGS được vận dụng trong nhiều các dự án phát triển để hỗ trợ nông dân sản xuất nhỏ và lan tỏa ra nhiều các địa phương khác nhau. Từ 1 hệ thống PGS ban đầu với 200 nông dân ở 3 tỉnh Hà Nội, Hà Nam và Hòa Bình, đến nay đã có 17 PGS ở 13 tỉnh thành ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam với sự tham gia của hơn 2000 nông dân. Đây cũng chính là tác động tích cực từ chính sách của Nhà nước đã khuyến khích nông dân tham gia vào PGS nhằm tạo sinh kế ổn định và bền vững cho nông dân ở các địa phương.

Bà Từ Thị Tuyết Nhung (người cầm micro) tham dự Lễ tri ân người nông dân hữu cơ do
chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển tổ chức

PGS là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, người tiêu dùng

Bà Nhung chia sẻ, nông dân hay bất cứ ai, làm ra sản phẩm, dù hữu cơ hay thông thường đều mong ước sản phẩm sẽ là nguồn tạo thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày. PGS với chức năng đảm bảo chất lượng, còn mang một sứ mệnh quan trọng đó kết nối sản phẩm hữu cơ của nông dân ra thị trường. 

Xác định vai trò của PGS, ngay từ khi thành lập, dự án đã tìm kiếm và kết nối với các nhà bán lẻ, các doanh nghiệp tham gia vào PGS, cùng giám sát chất lượng sản xuất và đưa sản phẩm vào chuỗi cung ứng phục vụ khách hàng của mình.

Họ chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy sản xuất khi đưa người tiêu dùng đến gần hơn với nông dân, để hiểu và chia sẻ những khó nhọc với nông dân  khi làm ra được sản phẩm hữu cơ và sử dụng nó. Đây chính là cách mà PGS đang làm để giúp bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm, tạo nguồn thu nhập ổn định trang trải cuộc sống hàng ngày.   

Ngoài ra, khi sản xuất hữu cơ, người nông dân hạn chế tiếp xúc với hóa chất, sẽ cải thiện sức khỏe và làm cho môi trường sống của người nông dân cũng như cộng đồng địa phương ngày càng thêm trong lành.

Còn với người tiêu dùng, các sản phẩm hữu cơ có tem PGS chính là sự đảm bảo về chất lượng trước sự thiếu kiểm soát của thị trường.

Nông dân tiêu thụ được nông sản hữu cơ, doanh nghiệp bán được hàng, người tiêu dùng có các địa chỉ tin cậy để tìm đến, đây chính là vai trò, sứ mệnh của PGS.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Công ty chủ quản
Chuyển giao diện: Tự động Máy Tính